#2304: Dấu câu tiếng Việt và nguyên tắc sử dụng
Nguyên tắc sử dụng dấu trong tiếng Việt và những ví dụ thực tế.
Tôi hơi lăn tăn khi viết về Nguyên tác dùng dấu câu tiếng Việt, vì sợ các bạn thấy “trẻ con quá!”. Nhưng thực tế như tôi từng nhắc đến trong bản tin #2303 thì có rất nhiều người dùng dấu câu sai khi viết lên các nền tảng mạng xã hội mỗi ngày. Họ thích ngưng thì ngưng, thích nghỉ thì nghỉ; hoặc nguyên đoạn 4-5 dòng không có một dấu chấm.
Thế nên tôi cứ viết về nội dung này gởi đến bạn, xem như một lần chúng ta cùng ôn lại nhé.
Chức năng của dấu câu trong tiếng Việt
Dấu câu có nhiệm vụ phân tách các phần trong một câu đơn, hoặc các vế của câu ghép. Hay nhằm chỉ rõ ranh giới của các câu, các đoạn với nhau.
Một số dấu câu cũng có chức năng bộc lộ cảm xúc, hàm ý của người viết để thể hiện những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm khi viết xuống.
Các loại dấu câu và cách sử dụng
Dấu chấm:
Dấu chấm được cho là loại dấu được sử dụng phổ biến hơn tất cả các loại khác, được ký hiệu là “.”. Sử dụng khi kết thúc một câu viết trong bài. Đây được xem là báo hiệu cho sự kết thúc của một câu kể, đoạn văn. Khi đọc dấu chấm cần phải có sự ngắt quãng.
Theo nguyên tắc, dấu chấm sẽ được đặt liền ngay sau chữ cái cuối cùng của câu. Ngay sau dấu “.” phải là khoảng trắng, và từ viết sau đó phải viết hoa chữ cái đầu. Ví dụ:
Ví dụ: Kỹ năng viết lách là cần thiết cho bất kì ai, không chỉ cho cuộc sống và còn giúp công việc thêm thuận lợi và đa sắc màu hơn. Hiểu được điều đó, khoá hướng dẫn viết lách cơ bản của My Dương sẽ giúp bạn từ người chưa bao giờ viết có thể tự tin thể hiện suy nghĩ, cảm xúc qua câu từ.
Dấu phẩy:
Dấu phẩy (ký hiệu:”,”) thường được đặt giữa câu, với mục đích ngắt, tách biệt các ý cần thiết một cách rõ ràng. Tuỳ vào câu đơn, câu ghép hay câu phức, một câu có thể có một , hai hoặc nhiều dấu phẩy. Trong câu khi có dấu phẩy thì cần phải đọc ngắt quãng một hơi (bằng nửa hơi ngắt của dấu chấm).
Cũng như dấu chấm, dấu “,” được đặt ngay sau chữ cái cuối của vế, nhưng từ đi sau dấu phẩy không cần viết hoa mà viết thường. Các trường hợp dùng dấu phẩy trong câu bao gồm:
Phân cách các bộ phận đồng thức (cùng loại - cùng cấp) với nhau
Phân cách vế chính với vế phụ (vế phụ làm bổ nghĩa cho vế chính)
Phân cách các vế của câu ghép (câu gồm nhiều vế)
Ví dụ: Trong quá trình làm việc, trao đổi với nhiều bạn đến từ nhiều mảng công việc, chuyên môn khác nhau. Tôi nhận thấy kiến thức thuộc nhóm tiếp thị, truyền thông, kỹ năng viết lách của mình sẽ giúp đỡ được rất nhiều người.
Dấu hai chấm:
Khi chúng ta dùng dấu hai chấm (ký hiệu: ”:”) trong câu, có thể hiểu theo 2 hướng.
Thứ nhất, dấu hai chấm báo hiệu rằng, các câu phía sau đây sẽ bổ nghĩa, bổ sung ý, giải thích, thuyết minh cho câu đứng trước đó.
Thứ hai, dấu hai chấm thể hiện là phần phía sau nó sẽ là một câu trích dẫn, một câu nói trực tiếp được kể lại từ người viết (dùng kèm theo dấu ngoặc kép hoặc gạch đầu dòng).
Ví dụ: Những kiến thức, kỹ năng liên quan đến Marketing, Viết lách mà trước nay bạn nghĩ chỉ dành cho những ai có chuyên môn thì thật ra đều có thể dành cho tất cả chúng ta. Hãy để tôi đưa vài dẫn chứng nhé:
Nếu bạn là một cá nhân đi làm công ăn lương > Bạn cũng cần tiếp thị bản thân mình để có công việc như ý.
Nếu bạn là một người làm công việc tuyển dụng > Bạn cũng cần biết cách Viết nội dung tuyển dụng thu hút.
Nếu bạn là người kinh doanh buôn bán trên các nền tảng online > Bạn cần định vị mình để được nhớ đến gắn với những sản phẩm dịch vụ bạn đang cung cấp.
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ > Bạn càng cần biết cách làm thương hiệu cho bản thân lẫn business của mình để tối ưu chi phí bỏ ra và tối đa lợi nhuận thu về.
Hay chỉ đơn giản bạn nhận thấy bản thân cần cải thiện kỹ năng về Marketing, Viết lách để mở ra nhiều cơ hội hơn cho chính mình.
Dấu chấm hỏi:
Ngay chính cái tên của loại dấu câu này cũng đã nói tên công dụng của nó. Cuối các câu dạng câu hỏi, với hàm ý nêu ra một thắc mắc cần được giải đáp, ta sẽ đặt một dấu chấm hỏi (ký hiệu:”?”). Dấu hỏi trong tiếng Việt cũng sẽ được đặt như dấu “.” ngay sau chữ cái cuối cùng của câu hỏi và dùng để nhấn mạnh nội dung cần hỏi.
Ví dụ:
Chúng ta cần làm gì để bình tĩnh sống và nắm thế chủ động giữa trạng thái “VUCA”?
Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Linh hoạt là chìa khoá giúp ta sống tốt ở bất kì môi trường nào!
Dấu chấm lửng:
Hay còn được gọi là dấu ba chấm (ký hiệu “...”), dùng để biểu thị một số các ý nghĩa về ngữ pháp hoặc chỉ đơn giản là cảm thán của người viết. Như là:
Một lời nói bị ngắt quãng vì xúc động, không nói nên lời.
Mô tả tiếng của một âm thanh nào đó đang kéo dài
Người nói chưa nói hết, mang tính liệt kê
Ví dụ: Nhưng trong sự giới hạn về nguồn lực, quỹ thời gian, mức độ tập trung… tôi không thể làm tốt ba việc một lúc. Tôi không thể vừa làm quản lý MKT ở một Tập đoàn nào đó với năng suất cao; vừa đảm bảo cho hình ảnh bản thân là Trainer xuất hiện ở nhiều Học viện, trường Đại học; vừa nhận nhiều dự án viết lách cho Khách hàng, NXB. Tôi chỉ có thể chọn một, hoặc quá lắm là hai thôi.
Dấu chấm phẩy:
Với dấu chấm phẩy (;) chúng ta cũng không thường thấy xuất hiện nhiều như các dấu chấm hay dấu phẩy. Nó thường được đặt ở giữa câu để phân tách các vế hoặc các bộ phận đẳng lập với nhau. Khi đọc cũng cần phải ngắt quãng ở dấu chấm phẩy, ngắt nhiều hơn dấu phẩy nhưng ngắn hơn dấu chấm.
Ví dụ: Đặc biệt là mảng “mối quan hệ” và “học tập”, tôi thu được những thành quả không ngờ tới. Điều làm tôi đặc biệt biết ơn là có những người anh chị, những người em chưa cần tôi mở miệng nhờ đã chủ động đưa tay ra giúp. Có người em thì chia sẻ thông tin, tài nguyên học tập; có người thì tài trợ thiết bị hỗ trợ công việc; các anh chị em bạn bè, HR Headhunt thì cứ có cơ hội công việc phù hợp là đưa CV tôi đến Doanh nghiệp; có người em thì đưa mức giá tượng trưng để giúp tôi hoàn thiện hệ thống bán khoá học của mình.
Dấu ngạch ngang:
Ta sẽ thường thấy dấu gạch ngang (-) thường được dùng để đặt trước các câu hội thoại, như trong các sách truyện hay kịch bản phim. Ngoài ra, dấu gạch ngang cũng được dùng cho các câu mang tính liệt kê, hoặc đặt trước phần giải thích cho đoạn nội dung đứng trước nó.
Ví dụ: Mấy hôm nay có nhiều bạn trẻ, các bạn học viên nhắn tin về hỏi tôi hoặc vào các group viết lách đặt ra những câu hỏi về: “ChatGPT có thay thế người viết không?”
Hiển nhiên đây là một hot topic nên có nhiều bạn cùng vào tranh luận, mỗi người mỗi hướng suy nghĩ, rất xôm tụ:
- Thay thế được content writer chứ chưa thay được copywriter. (?!)
- Chắn chắn là thay thế content writer, càng khiến hạ giá bài viết.
- Không thay thế được vì bài do con người viết ra có cảm xúc hơn.
Dấu chấm cảm:
Hay còn được biết với cái tên khác là dấu chấm cảm (“!”) thường được dùng cho câu cảm thán hoặc câu cầu khiến/ mệnh lệnh ai đó cần làm việc gì.
Khi đọc câu chứa dấu chấm than cũng cần nghỉ hơi ở cuối như dấu chấm.
Ví dụ: …Điều này cũng tệ tương tự như có thời gian nhiều tờ báo mạng lên mấy bài kiểu như “Bỏ học, kiếm tiền trăm tỉ tậu xế sang”, “Không cần học đại học, cô gái kinh doanh thành công tháng kiếm trăm triệu”. Thế giới đang phổ cập giáo dục lên đến bậc Thạc sỹ, đây lại có một bộ phận người cổ xuý cho việc ít học đi. Thua!
Dấu ngoặc đơn:
Khi dùng dấu ngoặc đơn trong câu (), thì có thể hiểu các nội dung trong ngoặc đơn mang hàm ý bổ nghĩa, giải thích, lời trích dẫn cho từ ngữ, cụm từ hoặc nguyên cả vế đứng trước nó.
Ví dụ: Vậy thì, nếu nhà tuyển dụng cần tìm ứng viên cho vị trí anh ta đang tuyển dụng, bạn nghĩ anh ta sẽ làm gì? Cũng sẽ là tìm kiếm trên những nền tảng của dân HR (Human resources – Tuyển dụng nhân sự).
Dấu ngoặc kép:
Các nội dung được đặt trong dấu ngoặc kép (“ “) có thể là tường thuật một lời nói trực tiếp của ai đó được kể lại bởi người viết.
Dấu ngoặc kép (" ") thường dùng khi có lời thoại, câu nói, trích dẫn. Hoặc dùng để ra dấu hiệu cho thấy từ trong ngoặc kép, không mang nghĩa đen mà thường sẽ mang nghĩa ngược.
Ví dụ: Ngày nay, trong một thế giới mà chỉ cần một “chú nhấp chuột”, 80% thông tin về một ai đó hay một thứ gì đó đã xuất hiện. Vậy thì ở vai trò “người tìm việc”, bạn cần làm gì để thu hút nhà tuyển dụng và để trở thành người được tìm thấy? Câu trả lời không gì khác ngoài việc chủ động xây dựng Thương hiệu Cá nhân cho chính mình gắn với công việc bạn đang hướng đến.
Vậy tôi đã chia sẻ đến bạn 10 dấu câu cơ bản kèm ví dụ để bạn dễ hình dung. Hãy thực hành cách sử dụng chuẩn này liên tục để chúng ta “là người Việt rành tiếng Việt” nhé!.
Bạn có thể đọc nhiều hơn tại blog The Gentlewoman Writer cũng như follow các kênh khác của tôi:
Web:
https://tgwwriters.com/
IG: https://instagram.com/blogger_tgwwriters
Page: https://www.facebook.com/TheGentlewomanWriter
Pin: https://www.pinterest.com/Blogger_TheGentlewomanWriter/
Substack:
Be Gentle,
Love.