#2305: Quy trình viết cho người mới
Một quy trình dễ bắt chước, dễ thực hiện dành cho những ai muốn rèn luyện kĩ năng viết từ những bước đầu tiên.
Xin chào các bạn,
Đã lâu không gặp. Thời gian rồi tôi tập trung toàn lực cho việc hoàn chỉnh, xuất bản khoá học và hoàn thành bản thảo một cuốn sách về nghề Viết. Chính vì thế đã lỗi hẹn cùng các bạn cho lịch gởi mail bảng tin hàng tuần. Tôi gởi đến các bạn bài viết hôm nay kèm lời hứa sẽ xuất bản đều đặn thứ Bảy mỗi tuần nhé.
Có lẽ với những người mới, người ngoại đạo, đã đôi lần bạn đọc được những bài viết dài với nội dung hay, cách hành văn thật chuẩn, bạn sẽ thầm ngưỡng mộ vì nghĩ rằng từ những cú gõ phím đầu tiên, ý tưởng của tác giả đã tuôn trào và câu văn cứ thế xếp đều trên những trang viết.
Nhưng thực tế không phải như vậy đâu bạn. Những người viết chuyên nghiệp cũng cần một quy trình viết rõ ràng và họ tuân thủ theo để có thể xuất bản những thành phẩm nội dung đều đặn và liên tục.
Thế nên hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và thực hành cách viết bài bản từ nền tảng để sớm ngày xuất bản được những bài viết tròn trịu, hay ho các bạn nhé.
Hướng dẫn cách viết 6 bước căn bản
Bản nháp xấu xí đầu tiên:
Đừng để bản thân bị mắc kẹt lại ở câu mở đầu, nếu thấy quá khó khăn, bạn có thể mượn từ “Thân gởi” kèm tên của người/ đối tượng bạn đang nghĩ đến cho bài viết. Đây là lúc bạn nghiêm túc nghĩ về đối tượng mình muốn giao tiếp và nội dung bạn muốn chia sẻ cùng họ.
Viết theo dạng gạch đầu dòng: ở giai đoạn bản nháp này, bạn nghĩ ra những đầu mục nào thì hãy cứ viết xuống theo từng gạch đầu dòng, đừng vướng bận về việc phải triển khai ý trọn vẹn ra sao, dùng từ nào cho thật hay, dùng phép so sánh nào cho thật ấn tượng.
Nếu ví outline như khung sườn của cơ thể, khi đã dựng xong outline, bạn đến giai đoạn giúp cơ thể đó "có da có thịt" bằng cách khai triển các ý cụ thể cho từng phần của khung sườn.
Tốc ký những gì diễn ra trong đầu: hẳn bạn đã nghe câu “một cái đầu thông minh, không bằng cây bút chì cùn”, đại ý nói đến khả năng lưu trữ và sử dụng bộ nhớ của chúng ta là hữu hạn, vì thế khi có bất kì ý tưởng nào loé lên trong đầu hãy viết xuống. Ở bước này, bạn đừng bận tâm ý tưởng vừa có là ngốc nghếch hay thiên tài, hãy cứ viết xuống đừng để nó trôi đi mất. Chúng ta còn rất nhiều bước sau đó để sắp xếp lại, nên bạn hãy yên tâm nhé.
Bạn cũng có thể cân nhắc việc tận dụng sườn nội dung từ công cụ ChatGPT: với sức mạnh tạo nội dung nhanh từ ChatGPT, bạn có thể tạo ra khung sườn ban đầu, căn cứ vào đó, bạn hãy lược bỏ bớt những ý bạn không đánh giá cao và bổ sung thêm những ý tưởng riêng của bạn
Nếu chẳng may bí ý tưởng, hãy hỏi ChatGPT bằng những keywords như: “cho tôi thêm ý tưởng” “đưa cho tôi thêm ví dụ”… để nhận được những gợi ý từ công cụ này.
Tư duy thêm, đưa ví dụ, thêm luận điểm khác.
Tạm gác lại:
Khi đã hoàn thành bản nháp đầu tiên, hẳn bạn sẽ thấy có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên từ đây đến lúc bài viết có thể được xuất bản vẫn còn một đoạn khá xa. Để tránh rơi vào trường hợp căng thẳng, hãy đóng máy/ hoặc tập viết lại, bạn nên đi dạo, ăn trưa, tập thể dục nhẹ nhàng hay làm bất cứ điều gì khác giữ bạn xa khỏi trang viết vừa rồi.
Mục đích là để khi quay lại hoàn chỉnh bài viết, bạn sẽ có cái nhìn tươi mới hơn sau khi được F5 bản thân.
Viết lại:
Khi đọc lại hẳn sẽ có nhiều chỗ khiến bạn thấy hoảng hốt, có thể là vì ý tưởng này “đao to búa lớn quá” hoặc có thể “đọc vào nghe thật ngốc nghếch quá”. Không sao cả, hãy giữ lại những phần hay nhất để viết vào phần bài viết hoàn chỉnh.
Với từng luận điểm, hãy cố gắng đưa vào đó những thủ pháp so sánh, ẩn dụ…, có ví dụ minh hoạ để nội dung thêm phần sống động, và có liên hệ mật thiết với đối tượng người đọc bạn đang nhắm đến.
Loại bỏ những câu từ sai lệch hoặc dư thừa:
Sau khi có bản thô đầu tiên và viết lại một lượt cho tươm tất, đây là lúc bạn tiến hành biên tập để định hình thành phẩm của mình. Có hai phương pháp để tự biên tập:
Biên tập tổng thể: bằng cách này, bạn nhìn vào tổng thể và chỉnh sửa bản nháp của mình để chuyển tại trọn vẹn ý tưởng chủ đạo của toàn bài.
Biên tập chi tiết: lúc này bạn cần kiểm tra từng đoạn, từng câu, từng cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ.
Làm cho mở bài thật hấp dẫn:
Mở bài hay còn được gọi bằng từ chuyên môn là sapo hay lede khi được đầu tư viết tốt sẽ tạo tiền đề xúc cảm cho toàn bộ bài viết của bạn, khiến người đọc có mong muốn tìm hiểu thêm. Có rất nhiều cách để tạo ra một lede hay, dưới đây là một ví dụ:
Kể chuyện hoặc thuật lại một trải nghiệm cá nhân: đây là cách tôi thường áp dụng trên blog của mình, ví dụ như trích đoạn sapo từ bài Một cơ địa dễ tăng cân thì có gì tốt?
Tôi hỏi thật nhé, các bạn có yêu vóc dáng của mình không? Có thường tự dằn vặt chê bai nếu chẳng may sở hữu một cơ địa dễ tăng cân không? Bản thân tôi thì có nhé, nhiều là đằng khác. Vì thế nên bài viết này tôi sẽ không nói “Hãy yêu lấy mình dù méo tròn ra sao”. Nhưng tôi sẽ nói bạn rằng: “Hãy nhìn thấy điều tích cực từ một vóc dáng đầy đặn, hãy thấy may mắn vì mình có một cơ địa dễ tăng cân”.
Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Còn tại làm sao lại thấy may mắn thì có ngay bên dưới.
Tôi đã dùng câu chuyện thật của mình để tạo ra một sapo thu hút người đọc và một kicker (câu chốt đoạn) đủ hấp dẫn để níu họ lại lâu hơn trên trang của mình.
Đọc lại một lần nữa:
Trước khi muốn xuất bản bài viết hãy đọc kĩ lại một lần nữa từ đầu đến cuối. Cách xem lại như sau:
Bài đã thể hiện đúng mục tiêu chủ đề ban đầu chưa?
Bài triển khai thành mấy đoạn? Đã đủ các ý chưa? Mỗi ý đã có mở - kết trọn vẹn chưa? Có còn mục nào dang dở hoặc thiếu ý không?
Mở bài đã hấp dẫn chưa? Có bị dài dòng không? Nếu có hãy tìm cách cắt gọn bớt.
Xuyên suốt bài viết có chỗ nào dùng dấu câu chưa đúng không?
….
Vẫn còn nhiều mục cần lưu ý để bài viết sau của bạn tốt hơn bài viết trước. Vì thế đừng quên theo dõi và đón đọc những số tiếp theo từ bản tin của tôi nhé.
Be Gentle,
Loves.